Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ - Góp phần thúc đẩy giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước
Lượt xem: 2191
Cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, tình hình mất an toàn, an ninh thông tin cũng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến việc ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh. Bởi vậy, việc triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, đảm bảo các sản phẩm phục vụ xác thực, bảo mật an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ cho các hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp của các cơ quan Đảng và Nhà nước là vấn đề thực sự cần thiết.

         Đáp ứng yêu cầu đó và thực hiện Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, từ năm 2007, Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ (nay là Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin) được Ban Cơ yếu Chính phủ thành lập, có chức năng bảo đảm cung cấp dịch vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ). Trên cơ sở đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai hoạt động của Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ phối với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai phục vụ cho các giao dịch  điện tử trong toàn quốc. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến nay việc triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã có những bước tiến vượt bậc.

Những kết quả triển khai giai đoạn 2012 – 2017

        Để nâng cao nhận thức về chữ ký số, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham gia tổ chức gần 100 cuộc hội nghị, hội thảo trong phạm vi cả nước; tư vấn triển khai hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sử dụng cho khoảng 80 cơ quan, tổ chức qua các kênh thông tin (điện thoại, email, fax, website…), khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật cho hàng nghìn thiết bị. Tổ chức huấn luyện và tham gia đào tạo, tập huấn cho cho trên 30.000 lượt cán bộ, công chức được cấp chứng thư số trong phạm vi cả nước, qua các hội nghị, hội thảo và các lớp đào tạo, tập huấn, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số không ngừng được nâng cao, tạo được sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức và lãnh đạo các cấp.

         Việc tổ chức sản xuất, bảo đảm cung cấp chứng thư số được thực hiện tại 3 miền (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp.

         Tại các Bộ, ngành có tới 28/30 cơ quan (93%) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Trong đó, 25/28 cơ quan (89%) đã thể chế hóa việc áp dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành như Thông tư, Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch… Hơn 10 cuộc hội thảo, 50 lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chữ ký số và hướng dẫn sử dụng được tổ chức cho trên 7.000 lượt cán bộ tại các cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số. Đến hết tháng 9/2017, trên 26.700 chứng thư số đã được triển khai cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

        Việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử đạt tỷ lệ cao ở nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ,… Chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số được ứng dụng trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 trong 28 cơ quan Bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, việc áp dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến  mức độ 3,4 (40% cơ quan) đã được các bọ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ áp dụng và phát huy được hiệu qủa, tiết kiệm thời gian và chi phí, điển hình như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam,… Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cũng được áp dụng rộng rãi, hiệu quả trong hệ thống thư điện tử công vụ, các hệ thống thông tin chuyên ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn,…

        Tại các địa phương, đến tháng 9/2017 đã có 59/63 (93,6%) địa phương có văn bản ủy quyền quản lý thuê bao trên địa bàn tỉnh; 56/63 (88,8%) địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng chữ số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước thuộc tỉnh, 38/63 (60%) địa phương có các văn bản (Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Quy chế, Quy định…) về quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Gần 100 cuộc hội thảo về chữ ký số được tổ chức và hướng dẫn sử dụng cho trên 21.000 lượt cán bộ tại các cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số.

Tính đến tháng 9/2017, trên 44.500 chứng thư số đã được cung cấp cho các địa phương trong phạm vi toàn quốc. Việc áp dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trao đổi trên môi trường mạng đạt tỷ lệ cao ở các tỉnh/thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cà Mau,… trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương, số lượng hồ sơ gửi nhận qua hệ thống trực tuyến ngày càng tăng.

        Bên cạnh đó, Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã từng bước đầu tư xây dựng và phát triển về kỹ thuật, công nghệ. Công nghệ nền chứng thực điện tử tiên tiến, hiện đại đã được chuyển giao từ các đối tác uy tín trên thế giới; được kiểm soát chặt chẽ, là chủ mật mã và đảm bảo an toàn một cách nghiêm ngặt đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn và bảo mật thông tin, được vận hành bởi đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.

        Công tác kiểm tra đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước được tiến hành thường xuyên. Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các Đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước các cấp tại 38 đầu mối gồm 11 cơ quan Bộ, ngành Trung ương và 27 tỉnh/thành phố. Qua công tác kiểm tra đánh giá, Đoàn công tác đã kịp thời phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp giải quyết phù hợp.

        Có thể nói, giai đoạn vừa qua, việc triển khai chứng thức chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã được thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp từ cơ cấu tổ chức, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển công nghệ, kỹ thuật nhằm thúc đẩy triển khai. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã nỗ lực, vượt qua những khó khăn và quyết liệt, tích cực triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo được môi trường làm việc điện tử hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và phát triển Chính phủ Điện tử. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn tiếp tục hoàn thiện. Các cơ quan thuộc hệ thống chính trị đã cụ thể hóa các quy định về văn bản điện tử, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thông qua việc ban hành các kế hoạch, quy định và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ còn một số tồn tại, hạn chế sau:

  •  Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về văn bản điện tử có chữ ký số chưa thực sự hoàn thiện, còn chồng chéo, bất cập. Một số quy định thuộc lĩnh vực chuyên ngành (văn thư, lưu trữ, tài chính, đất đai…) còn gây khó khăn cho việc thúc đẩy sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số. Cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy triển khai chữ ký số chuyên dùng còn thiếu và chưa đồng bộ. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.
  •  Công tác quản lý thiết bị lưu khóa bí mật, ứng dụng và triển khai chữ ký số chuyên dùng có nơi, có lúc chặt chẽ, chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn hiện tượng thất lạc thiết bị lưu khóa bí mật. Dịch vụ chứng thực chữ ký số được quan tâm áp dụng trong phạm vi nội bộ của cơ quan nhà nước hoặc tại một vài khâu trong toàn bộ quy trình xử lý văn bản điện tử; chưa được triển khai rộng rãi và liên thông trên phạm vi toàn quốc.
  •  Quy trình cung cấp, quản lý chứng thư số qua nhiều khâu trung gian, phức tạp trong thực hiện nên tiến độ cung cấp chứng thư số có lúc còn chậm. Cơ sở vật chất kỹ thuật, các công nghệ an ninh, an toàn cần tiếp tục phát triển, mở rộng trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu đối với hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia, đủ năng lực đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn . Công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết chưa được tiến hành thường xuyên; việc tham mưu cho lãnh đạo để triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng có mặt còn hạn chế.
  •  Việc áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các loại hình thiết bị di động (Smart Phone, Tablet…) chưa được quan tâm đầu tư phát triển, trong khi nhu cầu rất lớn và cấp thiết.

Định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới

Những năm tiếp theo được dự báo nhu cầu ứng dụng và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử sẽ rất lớn. Để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng và triển khai dịch vụ chứng thực cữ ký số chuyên dùng Chính phủ cần tập trung mục tiêu và một số nhiệm vụ trọng tâm:

  •  Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý; tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cơ chế phối hợp giữa ban Cơ yếu Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy ứng dụng và triển khai chữ ký số phục vụ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử.
  •  Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng dụng chữ ký số thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ đến chính quyền địa phương các cấp và cả hệ thống chính trị; gắn kết ứng dụng chữ ký số với đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức, lề lối làm việc.
  •  Đẩy mạnh, đổi mới hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chữ ký số. Phổ biến, quán triệt các văn bản, quy định, quy trình ứng dụng và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
  •  Tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại. Nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Rà soát, rút ngắn và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quy trình cung cấp, quản lý chứng thư số.
  •  Đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chữ ký số trong việc cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ công mức độ 3, 4; nghiên cứu triển khai giải pháp ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các loại hình thiết bị di động, hộ chiếu điện tử, chứng minh thư điện tử, thị lực điện tử…
  •  Triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng vào các hệ thống thông tin chuyen ngành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký chuyên dùng Chính phủ cho hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống phần mềm văn phòng điện tử, một cửa điện tử và các ứng dụng khác trong quản lý điều hành.
  •  Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp, vụ cho cán bộ phụ trách, cán bộ chuyên trách tại các cơ quan Đảng, Nhà nước. Nâng cao năng lực tham mưu va hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, đầy đủ cho người dùng cuối trong quá trình ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng.
  •  Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá, kịp thời phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết phù hợp nhằm đảy manh triển khai úng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.

          Bên cạnh đó, chính phủ càn có chỉ đạo thống nhất về việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ trao đỏi văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong cả nước; quy định cụ thể danh mục các văn bản phải ký số gửi trên mạng không gửi văn bản giấy; quy định cụ thể giá trị pháp lý trên các loại văn bản điện tử có ký số, các Bộ, ngành lien quan cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo cơ sỏ pháp lý thống nhất để thúc đẩy sử dụng văn bản có chữ ký số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình được sử dụng càn được thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp xử lý phù hợp.

         Đặc biệt các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu các cơ quan nhà nước các cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị; Đồng thời nâng cao năng lực tham mưu và chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, khai thác sử dụng phần mềm chữ ký số, quy trình xử lý, vận hành, áp dụng chữ ký số trong các hệ thống thông tin, xử lý văn bản điện tử áp dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực  chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; tăng cường công tác quản lý, sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định.

                                                                                                                                                                                                                       Theo: Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang