Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NHỮNG THÁCH THỨC XUYÊN SUỐT LỊCH SỬ PHÁT TRIỀN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Lượt xem: 2848

Việt Nam là một quốc gia hội tụ nhiều tiềm năng không chỉ để phát triển thành nước mạnh về CNTT mà còn có thể trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á: dân cư đông đúc, đa dạng, nền văn hóa phong phú, diện tích lãnh thổ không nhỏ, điều kiện tự nhiên đa dạng và tương đối thuận lợi, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương… Nhưng cho tới hiện nay (2016), Việt Nam vẫn là quốc gia mới ra khỏi tình trạng nước kém phát triển lại chưa có biểu hiện rõ rệt thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thứ hạng trên bản đồ CNTT trên thế giới vẫn còn khiêm tốn. Điểm nghẽn dẫn đến tình trạng này tập trung vào ba thách thức sau: nhận thức về CNTT của hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị Việt Nam, tốc độ triển khai thực hiện đường lối phát triển CNTT và chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

1.  Nhận thức về công nghệ thông tin của hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Sự phát triển CNTT Việt Nam chịu sự chi phối rất lớn từ hệ thống chính trị Việt Nam, nhất là tính đặc thù của hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống ấy.

Hệ thống chính trị Việt Nam có nhiều thành tố khác nhau, nhưng hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Với đặc thù là đảng chính trị duy nhất cũng là đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam, với đặc điểm là các đảng viên chiếm đa số ở các nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp – tư pháp; với ưu thế vai trò lãnh đạo được hiến định và được pháp luật Việt Nam bảo vệ thì mỗi quan điểm, chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng đối với phát triển CNTT có tính quyết định tới sự thành bại của lĩnh vực này, quyết định tiến trình trở thành nước mạnh về CNTT cũng như bằng CNTT hay không. Nói một cách khác, hiệu lực lãnh đạo của Đảng gắn với khả năng thúc đẩy sự phát triển CNTT ở Việt Nam. Chuyển biến trong lãnh đạo của Đảng là then chốt đề CNTT Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy toàn cầu, hội nhập quốc tế sâu sắc, phát triển bền vững.

Nhận thức về CNTT của Đảng chính là nhận thức của hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị Việt Nam, tập trung vào 2 mảng: 1-Nhận thức chung của Đảng thể hiện qua quan điểm, chủ trương, đường lối; 2-Nhận thức của hệ thống Đảng viên, đặc biệt là những Đảng viên đứng đầu các đầu mối phát triển trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Đây chính là nhân tố quyết định mức độ phát triển của CNTT Việt Nam.

Về mặt lý luận, đổi mới tư duy và dổi mới hành động là hai khía cạnh có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình tạo ra sự phát triển. Thông thường, sự thay đổi diễn ra trước hết ở tư duy rồi mới đến hành động. Đổi mới tư duy là việc nhận thức lại về đối tượng cần thay đổi đề từ đó hình thành quan điểm, cách thức thay đổi hành động  trên thực tế, nhằm thay đổi đối tượng cần thay dổi theo mục tiêu đã đề ra. Việc thay đổi tư duy sẽ dẫn đường cho những thay đổi về hành động. Điều tất yếu là nếu nhận thức không đúng sẽ dẫn tơi tư duy sai lầm, hành động không hiệu quả, thậm chí gây hậu quả khôn lường. Nhận thức đúng là cơ sở cho những thay đổi đúng về tư duy và hành động – hai yếu tố luôn song hành đảm bảo có thay đổi trên thực tế. Việc sử dụng tư duy cũ vốn đã gây ra nhiều hạn chế để giải quyết những yêu cầu phát triển mới là điều không khả thi, tạo ra rào cản mới; do vậy,cần phải đổi mới mạnh mẽ về nhận thức để đáp ứng và dẫn dắt các xu thế văn minh.

Về mặt thực tiễn, quá trình lãnh đạo phát triển CNTT của Đảng cho thấy: khi Đảng có nhận thức đầy đủ hơn về CNTT thì những chuyển biến trong tư duy phát triển CNTTxuất hiện, tư duy mới đó được chuyển hóa thành chủ trương, thành hoạt động chỉ đạo trên thực tiễn đưa đến những thay đổi theo xu hướng tích cực  của CNTT Việt Nam. Ngược lại, ở những thời điểm Đảng không thu thập đủ thông tin, nhận thức không rõ về vai trò, vị trí của CNTT thì mặc dù khẳng định luôn coi trọng CNTT nhưng mức độ quan tâm bằng hành động còn rất khiêm tốn, sự thay đổi trên hực tế không đáng kể.

Trong thời gian đầu Đổi mới, nhận thức về CNTT không đầy đủ, thiếu nhạy bén, mức độ quan tâm phát triển CNTT không đáng kể. Thiếu một nhận thức nhất quán từ cán bộ Trung ương đến các đảng viên các cấp về CNTT, lợi ích của CNTT và cách thức phát triển CNTT. Đây là một trong những căn nguyên dẫn tới chủ trương và sự chỉ đạo phát triển CNTT hơn một thập niên đổi mới đầu tiên của Đảng còn thiếu tập trung, chưa có tính đột phá; Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh để bắt nhịp với tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng nhanh trong buổi bình minh của Kỷ nguyên thông tin.

Những năm 80, khi cuộc cách mạng KHCN thế giới bắt đầu phát triển nhanh, khi CNTT ở nhiều nước bắt đầu có nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, thì Đảng lại chưa có nhận thức đầy đủ về CNTT, về sức mạnh mà CNTT đem tới. Điều này thể hiện qua việc Đảng không có sự thống nhất khi nhìn nhận về CNTT cho đến tận năm 2000 (mốc Chỉ thị 58-CT/TW), bên cạnh đó, sự quan tâm và chủ trương phát triển lĩnh vực này còn rất khiêm tốn trong tổng thể đường lối cách mạng của Đảng. CNTT được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau: điện tử, tin học, máy tính, thông tin liên lạc, công nghiệp điện tử - tin hoc – bưu chính viễn thông… Năm 1986, CNTT được chú trọng phát triển ở mức độ một số “đề tài” và cho đến tận năm 1991 vẫn ở trong tình trạng phôi thai là đang “thúc đẩy hình thành", “phát triển có trọng điểm một số hướng công nghệ”. Từ Nghị quyết 26-NQ/TW về KHCN và Đại hội VII (1991), CNTT cũng như nhiều công nghệ cao khác mới được hiểu đầy đủ hơn và được quan tâm hơn. Tháng 04/1997, Bộ Chính trị mới thừa nhận bằng văn bản “phát triển công nghệ tin học là một nhu cầu tất yếu của các quốc gia trên thế giới” nhưng theo phương châm là quản lý chặt chẽ đến đâu thì phát triển đến đấy.

Như vậy, Đảng phải mất tới gần 5 năm kể từ khi tiến hành đổi mới để có chuyển biến tương đối rõ rệt về nhận thức CNTT, 12 năm để thừa nhận rằng trong thời đại mới không thể tiếp tục đóng cửa với phát triển CNTT và mất tới 15 năm (1986 – 2000) để có cái nhìn khá đầy đủ, thống nhất, trước hết là ở cấp Trung ương Đảng về CNTT và phát triển CNTT . So với sự chuyển biến mau lẹ của tình hình công nghệ thế giới thì quá trình đổi mới nhận thức như vậy là thiếu nhạy bén, quá chậm chạp.

Chính từ xuất phát điểm nhận thức đó đã khiến cho những cố gắng của Đảng trong việc nắm bắt KHCN, nắm bắt các công nghệ hàng đầu là chưa đủ so với yêu cầu phát triển của những ngành và lĩnh vực trong thời gian đầu. Từ cuối những năm 80 đến hết những năm 90, việc hoạch định chủ trương phát triển CNTT của Đảng không có thay đổi có tính đột phá, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện ghi dấu ấn đáng kể ở hai điểm chính là triển khai nối mạng toàn cầu thành công, cho phép phổ biến internet và khởi động công cuộc tin học hóa quốc gia. Việt Nam thực sự đã lỡ một nhịp phát triển, lỡ một cơ hội quốc gia dẫn đầu ở lĩnh vực hàng đầu trong thời kỳ đầu bước vào hưng thịnh của nền CNTT thế giới.

Từ đầu những năm 90 (XX), đặc biệt là từ năm 2000 đến này (2016), nhận thức về CNTT cảu Đảng đã từng bước có những chuyển biến mạnh mẽ nhưng nhận thức của toàn bộ hệ thống Đảng viên về CNTT, nhất là các Đảng viên trực tiếp làm việc trong bộ máy Nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Nghị quyết 49/CP (1993) của Chính phủ về phát triển CNTT trong những năm 90 và Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH (17/10/200) là những dấu mốc quan trọng đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ có tính cách mạng trong nhận thức về CNTT. Nội hàm thuật ngữ CNTT đã được định hình rõ nét. Vai trò, vị trí của CNTT được nhận thức phù hợp hơn với xu thế vận động, phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Chỉ thị 58 ra đời đã chấm dứt thời kỳ coi chỗ đứng của CNTT là là ngành khoa học ứng dụng, mở ra thời kỳ mới: CNTT với vai trò mũi nhọn trong kinh tế và là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy các ngành lĩnh vực khác.

Trong hơn 10 năm kể từ sau Chỉ thị 58-CT/TW (2000), thế giới đã có nhiều thay đổi lớn nhờ tiến bộ công nghệ nhanh chóng và không ngừng. Hiệu năng xử lý thông tin là chìa khóa thành công cho mỗi quốc gia nếu không muốn bị lỡ nhịp phát triển và tụt hậu so với các nước khác. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, Đảng đã ban hành Nghị quyết 13 ngày 16/01/2012 xác định CNTT là một trong những hạ tầng thiết yếu, hạ tầng của hạ tầng trong kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ phát triển hiện đại; ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đpá ứng yếu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Những văn kiện này tiếp tục góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi hơn cho CNTT Việt Nam phát triển.

Sự thay đổi đó có tính bước ngoặt trong nhận thức của Đảng về CNTT đã mở ra con đường lớn đưa vị trí CNTT Việt Nam từ không thành có trên bản đồ phát triển công nghệ thế giới, lan tỏa ảnh hưởng của CNTT tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội Việt Nam. Các tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương đã đồng loạt nhập cuộc. Bộ máy quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên trách về CNTTđược tổ chức và hoàn thiện từng bước. Chính sách, chương trình, đề án… chuyên về phát triển CNTT đã được ban hành và tổ chức thực hiện. Cách thức phát triển CNTT của Nhà nước chuyển từ phát triển trong giới hạn quản lý sang quản lý phải theo kịp sự phát triển, quản lý kiến tạo sự phát triển.

Tuy vậy, sau gần 1/3 thế kỷ đổi mới (1986 – 2016), sau 10 năm trực tiếp quán triệt Chỉ thị 58-CT/TW (2000), sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 36 (2014), CNTT mặc dù đã được ứng dụng rộng rãi, mạng thông tin quốc gia phủ trên cả nước , tỷ lệ internet đạt trên mức trung bình thế giới, công nghiệp CNTT trở thành ngành mũi nhọn và có tốc độ phát triển rất cao so với các khu vực khác có nhưng CNTT Việt Nam vẫn chưa đạt trình độ tiên tiến khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của CNTT của nhiều cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ.

Trong bối cảnh hiện nay, CNTT tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc, tập trung vào các chủ điểm như trí tuệ nhân tạo, chiến tranh công nghệ cao, siêu hội tụ công nghệ, hoạt động nghiên cứu – phát triển công nghệ lõi. Vị trí, vai trò và xu hướng của CNTT biến đổi theo tốc độ phát triển chung của nền CNTT thế giới. Do đó, nhận thức về CNTT đối với chủ thể lãnh đạo - quản lý không chỉ dừng ở việc nhận thức đúng về hiện tại mà còn phải có viễn kiến về tương lai để định hướng hành động nhắm nắm bắt được các xu thế có lợi cho sự phát triển văn minh của quốc gia – dân tộc.

Như vậy, với vai trò là đảng chính trị duy nhất cầm quyền, thành tựu hay hạn chế của CNTT Việt Nam đều bắt nguồn trước tiên từ nhận thức của Đảng nói chung và của từng đảng viên giữ vai trò là người đứng đầu các cấp, các bộ ngành, các địa phương. Do vậy, để CNTT Việt Nam có thể đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, để Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT thì cần vượt qua được thách thức hàng đầu là những hạn chế trong nhận thức, trong quyết tâm chính trị của hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị Việt Nam.

2. Tốc độ triển khai thực hiện đường lối phát triển công nghệ thông tin

Việt Nam có tốc độ triển khai thực hiện đường lối phát triển CNTT chưa nhanh nhạy và để tình trạng này kéo dài. Như đã đề cập ở trên, từ nửa đầu năm 1991, chủ trương về phát triển CNTT của Đảng đã dần trở nên rõ nét, có trọng tâm, trọng điểm. CNTT cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác nằm trong chiến lược KHCN được Nghị quyết chuyên đề 26-NQ?TW, Đại hội VII của Đảng xác định cần tập trung sức và cần đặc biệt quan tâm phát triển. Tuy vậy, phải tới gần 3 năm sau, Chính phủ mới có Nghị quyết 19/CP (08/1993) về phát triển CNTT trong những năm 90, sau đó gần 1 năm thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT (212-TTg, 05/1994), sau 1 năm tiếp bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Ban này (154-TTg, 03/1995) rồi phê duyệt Chương trình quốc gia về CNTT (211-TTg, 04/1995), lại hơn 1 năm sau ban hành Quy chế quản lý và điều hành các Chương trình Quốc gia (08/1996), Chương trình Quốc gia về CNTT bắt đầu được đầu tư từ năm 1996 và kết thúc năm 1998 với kinh phí trung bình mỗi năm là 140 tỷ đồng. Như vậy từ chủ trương của Đảng đến Nghị quyết của Chính phủ mất gần 3 năm, từ Nghị quyết của Chính phủ đến khi có các chương trình hành động mất 2 năm nữa, có quy chế tương đối đầy đủ mất 3 năm nữa, thực hiện tập trung trong 2 năm 1996 – 1997 rồi tạm dừng. Có thể thấy, nếu lấy mốc 1991thì mất tới 2/3 tổng thời gian phát triển CNTT là các khâu hoạch định chủ trương, ban hành Nghị quyết, quy chế … và chỉ có chưa đến 1/3 thời gian là triển khai thực hiện tập trung trên thực tế.

Quá trình chuyển giao chậm chạp, thiếu thống nhất giữa hai tổ chức quản lý nhà nước về phát triển CNTT cuối những năm 90 đầu những năm 2000 cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển CNTT Việt Nam. Ngày 25/12/1997, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới Phan Văn Khải ra Quyết định số 1127-TTg thay đổi Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT và trưởng Ban điều phối quốc gia mạng internet ở Việt Nam. Từ tháng 06/1998 đến tháng 05/1199, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập 3 Ban chỉ đạo Chương trình kỹ thuật – kinh tế (công nghệ thông tin - Quyết định 123/1999/QĐ – TTg, công nghệ sinh họ c – 02/1999QĐ-TTg, công nghệ vật liệu – 102/1998/QĐ-TTg). Tới tháng 09/1999 cho giải thể Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT thành lập trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tháng 10/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị chuyền đề về phát triển CNTT Việt Nam phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH (Chỉ thị 58-CT/TW). Ngay sau đó, tháng 11/2000, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức triển khai. Nhưng phải nửa cuối năm sau, Chính phủ mới thành lập các ban chỉ đạo chuyên trách để triển khai (phê duyệt đề án 112 tháng 7/2001 và thành lập ban điều hành vào tháng 09/2001, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW tháng 11/2001). Những văn bản chủ đạo để tạo hành lang pháp lý ban hành khá chậm chạp: Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (05/2002), Luật giao dịch điện tử (11/2005), Luật Công nghệ thông tin (06/2006, Luật Công nghệ cao (11/2008), Luật Viễn thông (11/2009)… Như vậy, Chỉ thị 58-CT/TW, mặc dù là bước đột phá tư duy rất mạnh những cũng phải mất khoảng nửa thập niên thì mới bắt đầu có kết quả trong cuộc sống. Điều đáng suy ngẫm là, cùng trong thời gian đó, nhiều quốc gia có điểm xuất phát trước đây không quá cách biệt với Việt Nam đã nắm bắt cơ hội và thay đổi vượt bậc về phát triển CNTT.

Có thể thấy rằng, việc tổ chức triển khai phát triển CNTT ở Việt Nam bị chững lại trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2000; tiếp đó, từ khi có Chỉ thị 58-CT/TW đến khi Chỉ thị này được Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương bắt tay hành động phải mất tới hàng năm. Đầu những năm 2000, công tác triển khai ngoài sự chậm chạpthì sự thiếu sâu sát cũng là thực trạng đáng chú ý, sự kém hiệu qủa trong thời gian khá dài của Đề án 112 là một ví dụ tiêu biểu.

Tốc độ riển khai thực hiện đường lối phát triển CNTT chậm chạp đã khiến cho mục tiêu chủ yếu về phát triển CNTT của lực lượng lãnh đạo Việt Nam chưa thể cán đích trong giai đoạn 2000 – 2010. Trong giai đoạn trước năm 2000, mục tiêu phát triển CNTT thể hiện trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ như là các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết 49/CP, Chương trình Quốc gia về CNTT … đều rất định tính, do vậy rất khó để đánh giá chính xác và hiệu quả lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực này. Tới năm 2000, trong chỉ thị, nghị quyết của Đảng và trong các chương trình, đề án phát triển CNTT Việt Nam của Chính phủ, mục tiêu đã được xác định rõ hơn với sự kết hợp của những mục tiêu có tính định tính và với mục tiêu định lượng cụ thể trong thời gian xác định. Đáng lưu ý là, Chỉ thị 58-CT/TW xác định “đến năm 2010, công nghệ thông tin Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Đây là bản Chỉ thị có tính xuyên suốt trong lãnh đạo phát triển CNTT của Đảng khi bước sang thiên niên kỷ mới. Tuy vậy, đến năm 2010, nhiều chỉ số cốt lõi về phát triển CNTT của Việt Nam theo những đánh giá quốc tế thì vẫn ở mức độ trung bình, ví dụ: về chính phủ điện tử, theo Liên Hợp Quốc thì chỉ số phát triển của Việt Nam năm 2001 nằm trong nhóm các nước có năng lực chính phủ điện tử ở mức tối thiểu, năm 2010 đạt mức trung bình của thế giới và khu vực; xếp hạng 90/183 nước và thứ 6/11 nước Đông Nam Á; về nguồn nhân lực CNTT – TT, chất lượng không đột phá kịp quy mô, theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đứng ở mức dưới trung bình trong khu vực Đông Nam Á.

Trong thực tiễn những năm gần đây, tiến độ thực hiện đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” từ năm 2010 (1755/QĐ-TTg), khả năng cán đích của Nghị quyết số 13 BCHTW Đảng ngày 16/01/2012, tốc độ đưa Nghị quyết 36-NQ/TW(07/2014) của Bộ Chính trị về phát triển CNTT đến năm 2030 đang đứng trước những thách thức không nhỏ, nhiều nhiệm vụ có thời hạn cụ thể đã qua nhưng chưa thực hiện xong, một số nhiệm vụ quan trọng (đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư - ứng dụng CNTT, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến) mới khởi động và chưa có kết quả cụ thể, còn nhiều vấn đề cần phải tổng kết rút kinh nghiệm cho quá trình triển khai thực hiện về sau.

Đặt trong tiến trình phát triển chung, CNTT Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa vời với các nước, lãnh thổ hàng đầu trong khu vực, châu lục và trên thế giới.

Các biểu đồ trên cho thấy, trong lĩnh vực phát triển nổi bật như internet, công nhiệp CNTT thì từ năm 2000, mặc dù khoảng cách còn khá lớn nhưng Việt Nam đã bắt nhịp được với tốc độ của những quốc gia, lãnh thổ hàng đầu khu vực và trên thế giới, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển; tuy vậy, mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia tiên tiến trong khu vực trở thành nước mạng về CNTT và bằng CNTT trong thời gian tới gặp thách thức lớn từ tình hình tăng trưởng chung, phản ánh một phần qua nhịp dộ tăng trưởng GDP/người, khoảng cách chỉ số này của Việt Nam với những quốc gia, vùng lãnh thổ được so sánh là rất xa, xu hướng tụt hậu rõ rệt.

Như vậy, sau khi có nhận thức đúng, tư duy có đổi mới nhưng hành động không đổi mới quyết liệt thì cũng không có nhiều thay đổi tích cực trên thực tế. Sau khi có chủ trương mà không kiên quyết, kịp thời, tập trung và thống nhất quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện triệt để trên thực tế thì ảnh hươngr của những chủ trương này đến cuộc sống sẽ hết sức hạn chế, mờ nhạt. Những chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chiến lược mà không có “hành động thực tiễn” như vậy có thể “dài dằng dặc”, “rất kêu” nhưng chỉ để “đưa vào viện bảo tàng”. Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo cách “chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không”, “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” thì “đó là một sai lầm rất to” và hậu quả là “công việc vẫn không chạy”.

KHCN nói chung và CNTT nói riêng có tốc độ thay đổi rất nhanh, do đó, nếu không bắt nhịp được tốc độ phát triển chung, hệ quả tụt hậu và xu hướng lệ thuộc là tất yếu. Đảm bảo tốc độ hiện thực hóa đường lối phát triển CNTT Việt Nam đón nhận được xu thế của thế giới, tương xứng với tiềm năngvà yêu cầu khách quan là điều căn cốt và cũng là thách thức lớn hứ 2 trong thực tiễn Việt Nam hiện nay.

3. Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Tài sản lớn nhất của mỗi quốc gia chính là con người của quốc gia đó. Trí tuệ và năng lực sáng tạo của nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển KHCN, gia tăng lợi thế cạnh tranh và đẩy nhanh tốc độ phát triển quốc gia. Điều này đã được kiểm nghiệm và chứng minh qua sự phát triển của Singapore, Hàn Quốc, Israel, Hồng Kông. Đài Loan, Thâm Quyến (Trung Quốc) … Điểm chung của những điển hình này là đều có điểm xuất phát không cao, hạn chế về nguổn tài nguyên thiên nhiên nhưng đặc biệt chú trọng đột phá về nguồn nhân lực nên đã có sự phát triển nhanh mạnh cả về kinh tế lẫn xã hội. Xây dựng đội ngũ nhân lực đẳng cấp quốc tế là vấn đề có ý nghĩ sâu sắc đối với sự phát triển CNTT Việt Nam.

CNTT Việt Nam tồn tại nhiều khía cạnh như năng lực làm chủ công nghệ, sức tăng trưởng của hoạt động nghiên cứu phát triển, có được những doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu thế giới, đưa ra thị trường những sản phẩm đủ sức cạnh tranh quốc tế… còn là những thách thức phát triển rất lớn. Một trong những điểm nghẽn dẫn tới thực trạng đó chính là công tác về phát triển nguồn nhân lực CNTT. Nếu chỉ coi trọng trên văn kiện mà không có những hành động quyết liệt, không có những cơ chế đủ mạnh để đáp ứng về số lượng cùng chất lượng nguồn nhân lực đẳng cấp quốc tế thì Việt Nam không thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên thông tin.

Nhân lực Việt Nam về số lượng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng về chất lượng thì còn nhiều khía cạnh phải cải thiện mạnh mẽ. Theo đánh giá Chỉ sô kỹ năng, nguồn nhân lực CNTT – TT của ITU, Việt Nam thua xa các quốc gia như Thái Lan, Philippin, Bruney, đứng thứ 6/10 nước Đông Nam Á có số liệu thống kê. Theo số liệu thống kê 18 kỳ thi sát hạch chuẩn kỹ năng của Trung tâm đào tạo VITEC (đơn vị trực thuộc Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, có chuẩn FE và XW được Nhật bản và Hàn Quốc công nhận tương đương) tổ chức tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ thì chỉ có 15% số thí sinh đạt chuẩn trung bình trong tổng số 8000 thí sinh dự thi. Sự gia tăng về số lượng nguồn nhân lực lý giải phần nào sự chuyển biến tích cực của CNTT Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới, nhưng những hạn chế về chất lượng là nguyên nhân chính khiến Việt Nam vẫn không đủ lực thể tăng tốc đạt trình độ tiên tiến về CNTT trong khu vực giai đọan này. Thực trạng này đã cản trở rất nhiều việc đưa Việt Nam sớm vượt lên ở những hoạt động sáng tạo, phát triển CNTT hàng đầu. Về lâu dài, tình trạng không đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực so với nhu cầu phát triển và tương quan phát triển với các quốc gia khác còn dẫn tới sự lệ thuộc ngày càng lớn vào các quốc gia có công nghệ dẫn đầu.

Bên cạnh đó, thời kỳ dân số vàng đang đi qua, công cuộc hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển nguồn nhân lực vừa có cơ hội lớn vừa có thách thức không nhỏ đến từ thị trường nhân lực CNTT toàn cầu. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc thì trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam vẫn còn là bài toán nan giải. Khoảng cách về số lượng, cơ cấu, năng lực, trình độ của nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao của Việt Nam so với nhiều quốc gia còn tương đối xa đã khiến Việt Nam thiếu đi động lực mạnh mẽ, bền vững trong hành trình trở thành quốc gia đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về CNTT.

Do đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực mũi nhọn chất lượng cao chính là chìa khóa để khắc phục những hạn chế của CNTT Việt Nam hiện tại, là yếu tố căn cốt cho sự hưng thịnh của nền CNTT Việt Nam trong tương lai không xa. Đồng thời, đó cũng chính là cơ sở cho việc làm chủ các bí quyết, công nghệ mới, đi thẳng vào các lĩnh vựac hàng đầu, củng cố năng lực đảm bảo an ninh và an toàn thông tin, đủ sức đánh bại kẻ thù trong các cuộc chiến tranh số. Song song với việc tăng trưởng nguồn nhân lực có trình độ cao, có tâm huyết, có quyết tâm, có tinh thần dân tộc thì cần có cơ chế thu hút nhân tài trong và ngoài nước, cần kiến tạo môi trường cho nhân tài bộc lộ, phát triển và cống hiến.

Ngoài các vấn đề trên, thiết chế quản lý nhà nước về sự phát triển CNTT cần tiếp tục được hoàn thiện, thể hiện trên 3 khía cạnh chủ yếu: hành lang pháp lý, tổ chức đầu mối (mô hình bộ máy lãnh đạo và quản lý nhà nước chuyên về CNTT) và yếu tố con người đứng đầu. Điều này đòi hỏi phải xuất hiện một tổng công trình sư có viễn kiến để đột phá dưới góc độ thể chế phát triển CNTT. Việc xây dựng, ban hành các văn bản luật, dưới luật cần đảm bảo giảm thiểu tình trạng chậm chạp rời rạc, thiếu đồng bộ. Mô hình tổ chức đầu mối (ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, ủy ban CNTT quốc gia, mô hình ban điều hành các đề án…) phải đáp ứng tốt những yêu cầu phức tạp có tính liên bộ, liên ngành, liên địa phương của phát triển CNTT; đội ngũ tham mưu giúp việc chuyên trách về CNTT cần đủ về chất lượng và số lượng. Thiết chế để khuyến khích, ràng buộc quyền lợi với trách nhiệm, răn đe ngăn ngừa và sàng lọc để tìm tìm được người đứng đầu đủ tâm huyết, sức mạnh, đủ tài năng, có khả năng tạo ra sự đột phát tiến bộ, lãnh đạo tập hợp các đầu mối phát triền CNTT  vẫn cò là bài toán hóc búa cần nhanh chóng giải quyểt trong đặc thù thể chế chính trị Việt Nam. Vấn đề chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài, đầu tư nước ngoài và phát triển CNTT ở Việt Nam cần sự đột phá về chất lượng cũng như sự bền vững; vấn đề tự do thông tin, an toàn và an ninh mạng thông tin, hiện đại hóa quốc phòng bằng CNTT đặt ra ngày càng bức thiết.

Nhận thức đúng đắn và sâu rộng, triển khai thực hiện nhanh và đồng bộ, nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng đang là 3 thách thưc hàng đầu có tính xuyên suốt trong lịch sử quá trình phát triển CNTT Việt Nam. Cơ hội dân số vàng đang qua đi trong không đầy hai thập niên tới. Việc xây dựng nguồn nhân lực lại không thể nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ. Việt Nam vốn đã từng lỡ nhịp phát triển CNTT trong quá khứ, nay lại đang trong xu thế của bẫy thu nhập trung bình. Nâng cao năng lực nhận thức, dổi mới tư duy và hành động quyết liệt với một chiến lược nhân lực đúng đắn làm nền tảng chính là con đường sáng để Việt Nam bắt nhịp với chiều vận động văn minh của nhân loại.

                                                                                                                                                                                            (Theo tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông)

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang