Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CAO BẰNG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Lượt xem: 4833

Hưởng ứng phong trào thi đua "Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới" cũng như phong trào thi đua “Ngành thông tin và truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020, trong những năm qua ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng đã hăng hái hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua, góp phần đem lại những kết quả đáng ghi nhận, nhất là việc thực hiện tiêu chí số 8 về Thông tin và truyền thông trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu Quốc Gia(MTQG) xây dựng Nông thôn mới được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là cuộc vận động mang tính toàn diện. Trong đó công tác truyền thông, vận động đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông, trong 10 năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng đã chủ động chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong ngành như: Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố về thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thường xuyên về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đồng thời mở chuyên mục “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”, thường xuyên đăng tải các tin, bài, ảnh liên quan phục vụ công tác tuyên truyền, vận động, quảng bá phong trào và phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cho các cấp, các ngành của tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần tích cực trong nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và Phong trào thi đua. Đồng thời tăng cường tuyên truyền tới người dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet, công nghệ thông tin, phát thanh - truyền hình cho đời sống và sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến và ứng dụng các giải pháp hữu ích nhằm đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển thông tin, truyền thông nông thôn và Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông là một trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó,  xã được công nhận đạt tiêu chí phải đáp ứng các điều kiện: Có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông Internet, đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, điều hành. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận thông tin của người dân, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ  270 bộ thiết bị nghe -xem cho các hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số tại các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc và Bảo Lâm, mỗi hộ được hỗ trợ 01 bộ thiết bị bao gồm: Tivi màu 32inch và đầu thu tín hiệu truyền hình vệ tinh; xây dựng lắp đặt 05 Trạm truyền thanh không dây (FM 50W) và các cụm loa tại các thôn, bản của xã Đức Long, huyện Hòa An; Lê Lai, huyện Thạch An; Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa; Huy Giáp, huyện Bảo Lạc và xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm.

Ông Lang Văn Bằng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc là một trong những hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được Sở Thông tin và Truyền thông trao tặng tivi và đầu thu tín hiệu truyền hình số vệ tinh từ Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương trong năm 2019. Ông Bằng phấn khởi cho biết, có được chiếc tivi mới sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin thiết yếu của gia đình. Từ đây, ông có thể biết thêm nhiều kiến thức trên truyền hình về trồng trọt, chăn nuôi cũng như nắm bắt thêm nhiều kiến thức kinh tế, xã hội khác.

Cũng như ông Bằng, bà Dương Thị Khèo, hộ gia đình nghèo tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm cũng là hộ gia đình được trao tặng thiết bị nghe – xem lần này. Bà Khèo chia sẻ, với thiết bị truyền hình mới, bà sẽ dễ dàng tiếp nhận thêm nhiều thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó không chỉ có nâng cao nhận thức cho bản thân mà còn có thể tuyên truyền lại cho bà con trong xóm của mình.

Có thể thấy, việc triển khai có hiệu quả tiêu chí 8 đã góp phần giúp người dân tiếp cận thông tin, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa nông thôn và thành thị. Nếu như giai đoạn 2011 – 2015, số xã đạt tiêu chí số 8 chỉ có 78/177 xã; bằng 44% số xã của tỉnh; Xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông là 153/177 xã; số xã có Internet đến thôn là 78/177 xã thì đến hết năm 2019, toàn tỉnh đang duy trì khai thác, hoạt động 149/177 điểm Bưu điện văn hóa xã tương đương 84% số xã có điểm phục vụ bưu chính. Hầu hết các xã trong tỉnh đã được phủ sóng điện thoại di động 2G,3G,4G cuả các doanh nghiệp viễn thông và có cáp quang đến xã tương đương 100% số xã có có dịch vụ viễn thông, internet. Các đài truyền thanh xã được đầu tư, trang bị từ Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tổng số xã có đài truyền thanh được trang bị và duy trì hoạt động là 71/177 xã, tương đương 40% số xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn.Hệ thống phần mềm ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOfice đã triển khai đồng loạt đến các xã, 100% số xã có ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành,giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, các cơ quan, đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền Thông tỉnh Cao Bằng đã chủ động, tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình xây dựng nông thôn mới của các xã được phân công phụ trách, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, khả năng của cơ quan, đơn vị, tận dụng các nguồn lực có thể huy động, vận động để hỗ trợ, giúp đỡ các xã từng bước cải thiện, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã theo đúng kế hoạch và lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hàng năm các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đều tham gia ủng hộ quỹ xây dựng nông thôn mới và vận động cán bộ, công nhân viên tham gia ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương. Tổng giá trị các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ để các xã trên địa bàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông Cao Bằng giai đoạn 2011-2020 ước đạt trên 40,6  tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua "Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới" cũng như phong trào thi đua “Ngành thông tin và truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020, trong những năm qua ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng đã hăng hái hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua đã góp phần đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Phong trào thi đua ngày càng có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả ngành. Phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian tới Ngành thông tin và truyền thông tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai. Bám sát các chủ trương, chính sách để phát huy mọi nguồn lực, quan tâm vận động, đẩy mạnh việc xã hội hóa để việc đầu tư cho xây dựng nông thôn mới được kết quả cao hơn.

Mục tiêu chương trình xây dựng Nông thôn mới trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông đến hết năm 2020 là phấn đấu có 85% xã có máy vi tính phục vụ công tác của cán bộ, công chức; duy trì đầy đủ các điều kiện đạt đối với xã có điểm phục vụ bưu chính, xã có dịch vụ viễn thông, internet, xã có đài (trạm) truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn/bản, xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành đến thời điểm xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt mục tiêu đề ra, trong những năm tới, ngành Thông tin và Truyền thông Cao Bằng tiếp tụcnâng cấp, thiết lập mới các đài truyền thanh không dây, trang bị mới các cụm loa cho các thôn, bản cho các xã, ưu tiên triển khai cho các xã phấn đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020. Tăng cường công tác truyền thông; ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành tại các xã; đào tạo, tập huấn cho cán bộ truyền thông; sử dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế thông tin và truyền thông ở cơ sở. Sự nỗ lực, đồng lòng của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng sự ủng hộ của người dân sẽ là động lực quan trọng để việc thực hiện tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông trong xây dựng nông thôn mới được hoàn thiện, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình đã đề ra./.

Tuấn Nhã

Tin khác
1 2 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang